Trộm, tiêu thụ chó trộm: Phải xử mạnh tay!
Nạn trộm chó đang rộ lên khắp cả nước với tính chất ngày càng táo tợn. Hành lang pháp lý để xử kẻ trộm, người tiêu thụ tài sản trộm đã được luật pháp quy định rõ, chỉ còn trông chờ sự ra tay quyết liệt của cơ quan tố tụng
Điều 138 Bộ Luật Hình sự (BLHS) về tội “Trộm cắp tài sản” ở khoản 1 (khoản cơ bản) quy định: “Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Có thể xử lý hình sự
Với quy định trên, để nghiêm trị các đối tượng trộm chó thì bất cứ vụ trộm nào phát hiện đều cần được điều tra, xác minh và xử lý triệt để. Trong đó, cần làm đến nơi đến chốn việc định giá tài sản trộm cắp để làm cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự. Những trường hợp sau khi định giá mà trị giá tài sản trộm dưới 2 triệu đồng thì cơ quan tố tụng cần mạnh dạn áp dụng quy định “dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng” để xử lý hình sự.
Mạnh dạn xác định việc trộm chó gây hoang mang cho nhân dân trong một vùng, một địa bàn nhất định, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an ở địa phương là gây hậu quả nghiêm trọng để truy tố kẻ trộm cho dù tài sản trộm trị giá chưa đến 2 triệu đồng.
Một “cẩu tặc” bị các “hiệp sĩ” Bình Dương bắt khi đang hành nghề vào cuối năm 2011. Ảnh: TRÚC LY
Hành lang pháp lý cho việc định giá tài sản trộm căn cứ Nghị định 26/2005/NĐ-CP của Chính phủ: Giá phổ biến trên thị trường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm; giá do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định; giá trên tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá, nếu có; giá trị thực tế của tài sản cần định giá; các căn cứ khác về giá trị của tài sản cần định giá.
Như vậy, đã có hành lang pháp lý cho việc định giá tài sản bị trộm không phải đổ đồng giá mua bán theo kiểu cân ký “chó hơi” vài chục ngàn đồng một ký (để rồi bắt được kẻ trộm và tang vật rồi thấy con chó vài ký, xác định trị giá chưa tới 2 triệu đồng nên thả ra không xử lý hình sự) mà cần thẩm định giá trên cơ sở giá thị trường dựa vào chủng loại, trọng lượng. Khi đó, giá trị một con chó không phải chỉ vài trăm ngàn đồng mà lên đến nhiều triệu, thậm chí vài chục triệu đồng một con và việc xử lý hình sự, nghiêm trị kẻ trộm chó rất dễ dàng.
Người tiêu thụ cũng có tội
Với hành lang pháp lý như hiện nay, phải nói rằng rất khó xử lý người tiêu thụ chó có nguồn gốc do trộm bán. Bởi lẽ để xử lý thì phải bắt được kẻ trộm chó, phải xác định được kẻ trộm đã bán cho người mua, người mua biết được rằng chó đó là do trộm mà có nhưng vẫn đồng ý mua. Tuy nhiên, để chứng minh được điều này là không dễ.
Vì vậy cơ quan chức năng khi tiến hành điều tra xử lý một vụ trộm chó cần quyết liệt điều tra mối liên hệ giữa kẻ trộm và người tiêu thụ, bằng biện pháp nghiệp vụ để tìm chứng cứ truy cứu trách nhiệm người tiêu thụ chó trộm theo tội danh “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” quy định ở điều 250 BLHS.
Đối với những hộ, cơ sở giết mổ cũng như mua bán chó, các cơ quan chức năng cần liên tục kiểm tra giấy đăng ký kinh doanh, kiểm tra về phòng dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đưa hoạt động của các cơ sở này vào đúng khuôn khổ kinh doanh theo đúng pháp luật. Nếu vi phạm thì nghiêm phạt và tái phạm thì rút giấy phép. Nếu cơ quan chức năng làm nghiêm thì chắc chắn sẽ xử lý được tình trạng mua bán và giết mổ chó bát nháo, tự phát và vô tổ chức như hiện nay.
Mạnh dạn chuyển tội danh
Một khi vấn đề trộm chó đã gây bức xúc cho người dân, gây rối trật tự trị an, kẻ trộm ngày càng liều lĩnh, manh động thì cơ quan công an cần lập chuyên án, cử các trinh sát giỏi, các cán bộ điều tra giàu kinh nghiệm, bám sát các địa bàn thường xảy ra trộm, mật phục tại các tụ điểm mua bán, giết mổ, để phá án.
Mạnh dạn chuyển đổi tội danh của kẻ trộm chó từ “tội trộm cắp tài sản” (điều 138 BLHS) sang “tội cướp giật tài sản” theo điều 136 BLHS đối với những vụ bắt chó từ trên tay người chủ hoặc người chủ đang chở, dẫn đi ngoài đường, trước nha... Khi truy tố “tội cướp giật tài sản” thì không còn bị phụ thuộc vào giá trị tài sản bị cướp giật phải trên 2 triệu đồng và mức hình phạt cũng nặng hơn, tính chất nghiêm trị mạnh hơn như “tội trộm cắp tài sản”.